Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Nhớ ông bạn "tồn nghi"

Năm 1962, Công Minh gửi cho tôi và Nguyên Hân (lúc đó hai chúng tôi đang cùng ở Matxcơva) thư báo hỷ cùng ảnh cưới. Cô dâu Bạch Vân là Việt kiều ở Côn Minh, từng tham gia Giải phóng quân Trung quốc, tự nguyện về nước đóng góp xây dựng quê hương. Bạch Vân là đội trưởng đội bóng rổ vô địch toàn quốc nhiều năm liền.

Chúng tôi mừng vì Công Minh đã chọn được ý trung nhân tài năng, có sức khỏe lý tưởng, làm chỗ dựa vững chắc cho anh chàng Công Minh bạch diện thư sinh, thể lực không được tốt do bị bại liệt từ nhỏ. – Xin lỗi Bạch Vân – lúc đó chúng tôi cũng có chút lo lắng, vì “tốt mái thường hại trống”. Tôi và Nguyên Hân quyết định mua một chiếc đồng hồ báo thức loại tốt nhất của Liên xô cũ gửi về tặng đôi tân lang. Chúng tôi muốn nhắn nhủ Công Minh: “Chớ có quá say men tình mà ngủ quên hết sự đời”

Năm 1976, tôi được cơ quan biệt phái vào công tác tại Sài gòn. Con trai tôi còn nhỏ, vợ tôi bị hen rất nặng. Công Minh đến thăm vợ con tôi lúc đó đang cư trú tại 180 Quán Thánh và bảo:
- Anh cũng được “biệt phái” xuống tăng cường cho các bác công nhân ở nhà máy điện Yên Phụ. Kiên đi công tác, có việc gì nặng nhọc khó khăn cần giúp đỡ em cứ báo cho anh biết.
“Anh bỏ Viện Triết rồi à -Vợ tôi ngạc nhiên hỏi-Anh yêu thích bộ môn đó lắm cơ mà !!?”
Công Minh bằng một giọng trào phúng trả lời:
- Anh vẫn chung thủy với Triết học của anh. Triết học như một đại dương mênh mông bao la mà điều chúng ta biết mới chỉ như một giọt nước. Anh đề nghị phải giữ thái độ “tồn nghi” để có thể nghiên cứu một cách sâu sắc toàn diện. Thế nhưng ‘họ’ lại cho rằng anh nghi ngờ Triết học Mác-Lênin,  cũng có nghĩa là nghi ngờ đường lối chính sách của Đảng. Vì thế ‘họ’ yêu cầu anh phải xuống cầm xẻng xúc than ở nhà máy điện Yên Phụ để chữa căn bệnh “thiếu tin tưởng” của anh.

Đó là một trong những ký ức về ông bạn ‘tồn nghi” của chúng ta mà vợ tôi vẫn còn giữ mãi. Trong số các bạn của tôi cô ấy rất quý và nể phục Công Minh vì Công Minh sống rất tình cảm, có nguyên tắc, có bản lĩnh và cương trực, sức ép không làm thay đổi chủ kiến của Công Minh một nhân cách có lẽ là khó tìm trong hoàn cảnh đó.

            Bạch Vân giỏi tiếng Nhật được cử làm trưởng ban tiếng Nhật, Đài phát thanh TNVN. Sau khi Công Minh mất, một nhân vật có chức có quyền của đài phát thanh TNVN quý mến và muốn xây dựng gia đình với Bạch Vân. Dù tuổi còn trẻ, nhưng Vân kiên quyết từ chối, chấp nhận ở vậy thờ chồng và nuôi 3 cô con gái, lớn nhất mới có 15, tuổi bé nhất đang ở tuổi mẫu giáo.
            Được sự phù hộ độ trì của Công Minh cùng với sự đảm đang, tháo vát, hết lòng vì chồng con, Bạch Vân đã vượt qua muôn ngàn gian nan vất vả nuôi dạy 3 cô con gái khôn lớn và trưởng thành.
            Cháu Trương Hồng Hoa nhận bằng Tiến sỹ Luật của Đức, hiện nay cùng chồng mở Văn phòng Luật ở Đức.
            Cháu Phương tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà nội, hiện công tác tại Tp Hồ Chí Minh.
            Cháu Trang cô bé út mà lúc sinh thời Công Minh chúng tôi thường hay trêu đùa đặt tên là “Trương Công Cốc” đã tốt nghiệp Đại học Y Tp HCM hiện nay đang tu nghiệp tại Úc. Các cháu đều đã lấy chồng, Bạch Vân hiện đã là bà ngoại của 4 cháu. Đời sống vật chất khá đầy đủ, sung túc.

            Bài viết này xin được coi như một nén nhang của vợ chồng tôi tưởng nhớ tới Công Minh - Người bạn yêu mến của chúng tôi.
            Chúc Bạch Vân mạnh khỏe, các cháu nhiều thành đạt và hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét