Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Những lời thú vị về tình bạn



Chuyện không vừa ý cười thêm gượng
Đời vắng tri âm, sống cũng thừa
                                                                                               Trần Tiến Khải

Nếu bạn hỏi tình bạn giá bao nhiêuthì bạn không đủ tiền mua đâu,
                                                Christopher

Có một nghìn người bạn vẫn là ít, có một kẻ thù cũng đã nhiều lắm rồi
                                   Danh ngôn Thổ Nhĩ Kỳ
 
Tình bạn là cuộc giao lưu không vụ lợi giữa những người bình đẳng.
                                                       Golelsmitb.

       Tình bạn chính là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn. Say mê nhau, một sự hòa đồng tư tưởng, mơ ước, nhân đức,hạnh phúc, đau khổ,...
        Họ luôn tự do xa cách nhau nhưng không bao giờ lìa bỏ nhau.
                                                                                                       Bougaud

Tình bạn là nước hoa ướp thơm cuộc đời,
Là sự dịu dàng làm êm ả đời sống,
Là kỷ niệm làm cho đời thêm tươi mát.
                                                           Lamartine

Cha mẹ là của cải, anh em là chỗ dựa, bạn thân là cả hai thứ đó.
                                                               Ngạn ngữ Anh.

Người bạn tốt nhất bao giờ cũng là người
Đến với ta trong những phút khó khăn, cay đắng nhất của cuộc đời.
                                                                    Maxim Goocki.

Có một thứ hoa hồng không gai: đó là tình bằng hữu. Có một thứ hoa hồng nhiều gai đó là hoa ái tình.
                                                                                                        M.Scudery

- Điều quyến rũ nhất của mọi hạnh phúc là có được một tình bạn bền vững và dịu dàng. Tình bạn xoa dịu mọi lo lắng, xua tan mọi buồn phiền và khuyên nhủ ta khi bất hạnh.
                                                                                                         Seneque

- Những người bạn thông minh còn mãi như những cuốn vách tốt nhất của cuộc đời.
                                                                                                          Caladeron


Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Sức sống mãnh liệt, nghị lực phi thường

Sức sống mãnh liệt, nghị lực phi thường

Năm 1955, rời trường Quế Lâm thân yêu, tôi cùng Nguyễn Đức Tấn lên học tại Học viện Ngoại ngữ Bắc Kinh. Hai chúng tôi ở chung một phòng và học cùng một lớp. Đức Tấn tính tình hiền hòa, khiêm tốn, nghiêm túc trong sinh hoạt, học giỏi, được thầy yêu, bạn quý. Sau 4 năm học Đức Tấn nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc.

Về nước, Đức Tấn – Chàng trai quê hương Đình Bảng được bố trí làm việc tại ủy ban kế hoạch Nhà nước, sau chuyển sang ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước. Là cán bộ trẻ, năng lực tốt, Năm 1963 cơ quan cử Đức Tấn đi học đại học kinh tế tài chính để phục vụ cho kế hoạch phát triển lâu dài của cơ quan. Năm 1967 Đức Tấn nhận bằng tốt nghiệp Đại học thứ hai và về công tác tại Vụ kinh tế xây dụng thuộc ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước.

Lúc này cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn hết sức ác liệt và căng thẳng. Bộ đội ta đang cần được bổ sung lực lượng trẻ, có học vấn. Đức Tấn tạm thời từ bỏ con đường công danh, sự nghiệp đang rộng mở, chia tay với người vợ trẻ và 2 đứa con thơ dại 5 tuổi và 2 tháng tuổi, xung phong nhập ngũ, sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù, chấp nhận đối mặt với bom đạn và mất mát hy sinh.

Đức Tấn được cử đi học trường Sỹ quan điều khiển tên lửa tại Liên Xô. Hoàn thành khóa học 2 năm, về nước Đức Tấn trở thành sỹ quan tại một đơn vị trực thuộc quân chủng phòng không không quân.

Để ép ta ngôi vào bàn đàm phán có lợi cho Mỹ ở Hội nghị Paris, tháng 12/1972 Tổng thống Nickson đã sử dụng hơn 1.000 máy  bay chiến lược và chiến thuật ồ ạt ném bom nhằm hủy diệt Hà nội, Hải phòng. Với chiến dịch “Lai nơ bêch cơ II” kéo dài suốt 12 ngày đêm, Mỹ hy vọng làm Hà nội choáng váng, khiếp đảm và phải chấp nhận điều kiện do Mỹ đặt ra ở Hội nghị Paris.

Để bảo vệ Hà nội, Đức Tấn được trên tăng cường cho trận địa tên lửa tại Đông Anh. Đây là trận địa mới, đang trong giai đoạn bài binh bố trận, đơn vị pháo cao xạ bảo vệ trận địa đang còn ở Thái Nguyên, chưa kịp chuyển về. Máy bay trinh sát của không quân Mỹ đã phát hiện và chụp ảnh nhiều lần. Đêm 21/12/1972, Đức Tấn cùng đơn vị đang triển khai tên lửa để chuẩn bị chiến đấu thì hàng chục chiếc B52, có nhiều máy bay tiêm kích yểm trợ, đã ồ ạt trút bom xuống trận địa tên lửa Đông Anh. Các sỹ quan điều khiển tên lửa cùng kíp với Đức Tấn đều hy sinh, riêng Đức Tấn bị thương rất nặng: 2 mảnh bom xuyên từ thái dương trái ra sau gáy, 1 mảnh bom cắm sâu vào mi mắt trái, 1 mảnh gài vào bả vai trái, toàn thân bê bết máu và khói bom, hoàn toàn tê liệt và bất tỉnh.

Đồng đội đặt Đức Tấn vào một cái túi chuyên dụng cho tử thi (vì không hy vọng Đức Tấn qua khỏi) và chuyển đi Quân y viện 109 đóng tại Vĩnh Yên. Đức Tấn hôn mê suốt hơn 1 tháng trời, nằm ở dưới hầm sâu để tránh máy bay địch oanh tạc, bác sĩ và y tá phải túc trực bên cạnh Tấn 24/24h đề phòng Tấn ra đi bất kể lúc nào.

Thế rồi vào một ngày đẹp trời, Đức Tấn đã bừng tỉnh sau một giấc ngủ triền miên. Cùng nằm trong hầm với Đức Tấn có 3 thương binh đang trong tình trạng nguy kịch. Cố gắng lắm Đức Tấn mới bập bẹ được mấy câu, nhờ bác sỹ nhắn tin cho bác ruột (chị mẹ) là Nguyễn Thị Đồng, lúc đó là Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phú biết, Những người ruột thịt của Tấn (Bố là thường vụ tỉnh ủy – Trưởng ban tổ chức và kiểm tra tỉnh Yên Bái. Mẹ là lão thành cách mạng, vợ là cán bộ Viện thiết kế Bộ Xây dựng…) đến thăm. Không ai cầm được nước mắt. Toàn thân Đức Tấn quấn bông băng trắng toát, chỉ hở 1 con mắt, nằm bất động như một cái xác không hồn ở trong hầm, thỉnh thoảng lại lên cơ động kinh, ngất xỉu, bọt mép xùi ra.

Cần phải mổ gấp để lấy các mảnh bom trong đầu Đức Tấn và cắt cơn động kinh, nhưng nếu mổ lúc này anh có thể chết ngay trên bàn mổ vì sức khỏe đã quá yếu. Đức Tấn đã được nâng dần thể lực để có thể chịu đựng nhiều lần đại phẫu thuật kéo dài trong nhiều năm. Độ rủi ro của những ca mổ là rất lớn, nhất là khi ấy nước ta đang ở trong chiến tranh khốc liệt, thiếu thốn đủ mọi thứ.

Tháng 12/1973 Đức Tấn lên bàn mổ lần thứ nhất. Ca mổ kéo dài suốt 12 tiếng đồng hồ. Hai kíp mổ thay nhau làm việc căng thẳng suốt từ sáng sớm đến chiều tối. Các bác sỹ lấy mảnh bom ở thái dương trái, tẩy rửa đất cát và vụn gỗ theo mảnh bom chui vào não.

Sau khi mổ các bác sỹ phải giữ Đức Tấn lại để cấp cứu hồi sức sức ngay trên bàn mổ, có máy thở trợ giúp mới cứu Đức Tấn thoát khỏi bàn tay tử thần.

Tháng 12/1974 Đức Tấn lên bàn mổ lần thứ hai. Các bác sỹ khoét sau gáy lấy mảnh bom ra. Tháng 12/1975 Đức Tấn lên bàn mổ lần thứ ba. Hộp sọ phía thái dương trái của anh bị khuyết một mảng lớn. Não bị lộ thiên, gây nhức nhối, khó chịu. Các bác sỹ phải lấy xương sườn (sụn) của một trung úy quân đội đã chết vì tai nạn giao thông vá vào hộp sọ cho anh. Sau ca phẫu thuật này Đức Tấn đã giảm bớt khó khăn trong việc vệ sinh đầu tóc.

Đến lúc này Đức Tấn vẫn chưa hết duyên nợ với các bác sỹ phẫu thuật, vì trong người vẫn còn 2 mảnh bom nữa. Không muốn tiếp tục lên bàn mổ, anh đã tự tay mình rút mảnh bom đang găm trên mi mắt trái, làm cho máu chảy lênh láng, đau buốt đến tận xương.

Hành động một cách tùy tiện nóng vội, Đức Tấn đã bị các bác sỹ phê bình gay gắt. Cho đến nay anh vẫn chấp nhận chung sống hòa bình với mảnh bom cuối cùng đang còn yên vị bên bả vai trái.

Trong 3 năm chờ phẫu thuật, mặc dù bị các thương tích dày vò, hành hạ, Đức Tấn vẫn vui vẻ tình nguyện dịch từ tiếng Nga ra tiếng Việt trên 1000 trang tài liệu về phẫu thuật thần kinh (Tài liệu do Viện hàn lâm y học Liên Xô cung cấp) cho Quân y Viện 108 mà không đòi hỏi bất kỳ một sự thù lao hoặc bồi dưỡng nào. Đương nhiên anh phải nằm bẹp trên giường và đọc cho các cô y tá thay nhau chép để có một bản dịch hoàn hảo.

Sau 3 lần mổ, sức khỏe của Đức Tấn dần dần hồi phục, không bị động kinh nữa, nhưng 1/2 người bị liệt, nửa người còn lại cử động rất khó khăn. Cuộc sống vẫn gắn chặt với cái giường, mọi sinh hoạt đều phải có người phục vụ tại chỗ. Quyết tâm thoát ra khỏi “nấm mồ chăn đệm” và để không trở thành gánh nặng cho vợ con, bằng nghị lực phi thường, Đức Tấn từng bước tập ngồi dậy, tập bò, tập đứng và tập đi như một đứa trẻ 9 – 10 tháng tuổi. Tay phải bị liệt hoàn toàn, anh phải luyện tập dùng tay trái thay thế. Kết quả luyện tập gian khổ, đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong nhiều năm trời, đã cho phép anh tập tễnh đi lại được, tay trái có thể gánh vác phần lớn chức năng của tay phải, cuộc sống đỡ bị phụ thuộc hơn trước.

Lúc này kinh tế gia đình Đức Tấn ở vào tình tạng quẫn bách. Đời sống gặp muôn vàn khó khăn. Cánh cửa sự nghiệp hình như đã đóng sấp trước mặt anh rồi. Mơ ước trở lại làm việc hình như chỉ còn là ảo mộng hão huyền, không có cách gì để thực hiện.

Đứng trước cuộc đời tưởng như rơi vào ngõ cụt, Đức Tấn được cơ quan cũ – Viện thiết kế thuộc Bộ Xây dựng mời đến làm việc. Một tia hy vọng lóe sáng, cơ quan định bố trí Đức Tấn làm công tác tổ chức, cán bộ. Băn khoăn, do dự với tình trạng sức khỏe của mình, sợ không cáng đáng nổi công việc, anh đã đề nghị cơ quan cho làm thử 6 tháng. Thật may mắn lần thử việc này đã kéo dài 16 năm, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chúng ta không thể tưởng tượng được một người bị mảnh bom xuyên qua não mà vẫn sống, mất 84% sức khỏe mà vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến thêm 16 năm trời nữa mới chịu về hưu. Sau lần mổ thứ 3 (1975) bác sỹ lượng định Đức Tấn chỉ có thể sống thêm được 10 năm, nay anh đã vượt cái ngưỡng đó hơn 3 lần (38 năm) thật là diệu kỳ. Càng trong hoạn nan, khó khăn, ý chí,  nghị lực và sức sống của Đức Tấn càng trỗi dậy mạnh liệt.

Đức Tấn tâm sự:

“ Các bạn bảo mình không may  mắn, chịu nhiều thiệt thòi, mình rất cảm ơn sự quan tâm đó. 30 năm chiến tranh ác liệt, hàng triệu người vĩnh viễn ra đi mà không biết đến ngày chiến thắng. Mình còn sống là may mắn , là hạnh phúc lắm rồi”.

“Các bạn khen mình có thể lực tốt. Bom Mỹ giết mà không chết. Các giáo sư bác sỹ bảo hệ thần kinh của mình có cấu tạo đặc biệt. Rơi vào chỗ chết mà vẫn sống. Thân xác mình do bố mẹ ban cho. Mình phải cảm ơn bố mẹ. Nhưng dù mình có là lực sỹ đi nữa, thương tích nặng nề như vây, tử thần chằm chằm nhìn ngó vào mình, nếu không có trí tuệ, bàn tay vàng của các bác sỹ giáo sư Phạm Gia Triệu - Anh hùng lao động, Viện phó Quân y Viện 108, bác sỹ Nguyễn Văn Cự – Chủ nhiệm khoa phẫu thuật thần kinh (B7) ngày đêm tận tình chăm sóc, cứu chữa chắc chắn mình không thể tồn tại được đến ngày hôm nay”.

“Mình mang ơn người trung úy đã cho mình sụn xương sườn để vá vào cái “ sọ dừa” của mình. Mình muốn thắp nén hương để tạ ơn người đã khuất, tự đáy lòng mình cầu cho vong linh ân nhân của mình siêu thoát”.

“Mình rất thương vợ mình. Lấy nhau được 5 -6 năm thì mình trở thành người tàn tật. Cô ấy phải gánh chịu cái tai họa khủng khiếp giáng xuống đầu mình. Vừa lo hoàn thành công việc ở cơ quan, vừa phải lo kiếm thêm tiền để chăm sóc chồng ốm yếu, tần tảo nuôi dạy 2 con thơ dại nên người. Các con mình đều tốt nghiệp đại học, có gia đình riêng và có việc làm ổn định. Công của cô ấy to lớn đến chừng nào không tiền nào đong đếm được".

Là những người may mắn, chúng ta khâm phục Đức Tấn đã sẵn sàng hy sinh một phần cơ thể của mình, cam chịu tàn tật suốt đời vì danh dự và cuộc sống của mỗi chúng ta hôm nay. Chúng ta hoàn toàn thông cảm và chân thành chia sẻ nỗi bất hạnh lớn lao của anh và cả gia đình. Số phận không may mắn và tấm gương của Đức Tấn thường xuyên mách bảo chúng ta rằng: “Đời người phúc họa song hành”. Dù bạn có rơi vào thảm họa, cuộc sống có xô đẩy bạn đến bước đường cùng chăng nữa thì cũng đừng bi quan, chán nản. Gian truân, vất vả tôi luyện ý chí, nghị lực, bản lĩnh của mỗi chúng ta. Hãy dũng cảm đứng lên đón nhận thách thức, vượt qua thảm họa và hoàn toàn có khả năng biến những điều tưởng chừng không thể trở thành có thể.
http://lusonquelam.blogspot.com/

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Nhớ Chiến Thắng

Bạn Chiến Thắng tư chất thông minh ham học hỏi, có học vấn tốt, có đôi bàn tay vàng giỏi một nghề và biết nhiều nghề. Chiến Thắng rất hiếu thảo với cha mẹ, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, dũng cảm đón nhận những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, có những cố gắng lớn lao để vượt lên số phận. Tiếc rằng số trời đã định ‘Chống lệnh, không ai chống được mệnh. Vận đen cứ dồn dập đổ lên đầu Chiến Thắng.
            Tuổi thơ của Chiến Thắng phải chịu nỗi khổ vì mồ côi mẹ quá sớm và nỗi đau cha bị oan khuất. Năm 1940 mới mở mắt chào đời chưa được bao lâu thì cả cha lẫn mẹ bị giặc Pháp bắt tù đày vì tham gia cộng sản. C.Thắng phải sống nhờ bầu sữa của bà cô.
            Năm lên 7 tuổi mẹ Thắng hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ ở núi rừng Việt Bắc. Bà được công nhận là liệt sỹ và được tặng bằng Tổ quốc ghi công. Cùng năm đó bố Thắng bị ta bắt vì nghi tham ô. Sau 3 tháng bị giam giữ, không đủ chứng cứ, ông được trả tự do. Trở lại cơ quan, ông bị chi bộ kêu án kỷ luật khai trừ Đảng vĩnh viễn. Hoạt động cách mạng từ 1936, hết tù đế quốc lại tù Cộng sản nhưng ông không bất mãn, vẫn một lòng một dạ trung thành phục vu cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng.
            Trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù đế quốc, ông đã mày mò chế tác ra trò chơi thông minh mang tên ông – trò chơi Trí Uẩn. Trò chơi này rất được ưa chuộng và được bày bán ở nhiều cửa hàng từ Bắc vào Nam. Từ ngày mới cắp sách đến trường, C.Thắng đã phải tham gia sản xuất trò chơi này để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
            Hạnh phúc lớn lao đối với C.Thắng là những năm được đi học ở Quế Lâm và ở trường Chu Văn An, Hà nội. Niềm vui ngắn chưa tày gang, bước  chân vào cổng trường đại học Tổng hợp chưa được bao lâu thì bạo bệnh đã ập tới. Bệnh lao phổi đã hành hạ C.Thắng nhiều năm trời với 3 lần nhập viện và phải cắt đi ¼ lá phổi. Nhờ có quý nhân phù trợ mà C.Thắng đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Đó là cô Người yêu. Người tình vừa là người cung cấp tài chính, vừa là chỗ dựa êm ái về tinh thần trong những ngày C.Thắng nằm trên giường bệnh. Người yêu đã cho C.Thắng rất nhiều và đã hy sinh vì C.Thắng một cách vô tư.
            Năm 1964 Chiến Thắng trở lại học tiếp đại học Tổng hợp và đã nhận bằng tốt nghiệp khoa Sinh hóa, Chiến Thắng đi gõ cửa khắp nơi để xin việc. Với sự kỳ thị nặng nề với người có tiền sử lao phổi đã khiến các cơ quan tiếp đón Thắng với vẻ thờ ơ, lạnh nhạt. Ông thân sinh ra người yêu của C.Thắng (lúc đó là chủ nhiệm văn phòng Thủ tướng Chính phủ) phải ra tay cứu giúp Thắng mới được nhận vào làm việc tại Khoa Sinh hóa Viện chống lao TW.
            Sau khi đã hoàn thành việc chữa trị bệnh tật cho C.Thắng , cô người yêu đáng kính đã chào tạm biệt Thắng để “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi”. Thắng ta bị cú sốc bom tấn “ Ông tơ ghét bỏ chi nhau, chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”. Bệnh phổi tái phát nặng hơn trước, buộc Thắng lại phải nằm bẹp trên giường bệnh thời gian dài. Lần này không có bờ vai êm ái nào giúp đỡ, Thắng chỉ còn dựa vào đồng lương còm cõi của mình và thuốc thang được bao cấp.
            Mặc dù mối tình đầu dang dở song C.Thắng vẫn tôn thờ người con gái đầu tiên mà mình yêu và cũng là ân nhân đã sinh ra Thắng lần thứ 2.
            Năm 1976, C.Thắng gặp và tìm hiểu cô gái kém mình 10 tuổi tên là Trương Thị Dần, lúc này Thắng đã 36 tuổi. Đám cưới đạm bạc được nhanh chóng tổ chức. Thiếu tiền nên Thắng nhờ Lệ Thủy “Bang trưởng” mua hộ bánh quy gãy để tiếp khách. Lệ Thủy mua bánh quy thứ thiệt với giá khuyến mại để mừng Thắng – Dần.
            Cô dâu Dần nhanh nhẹn, tháo vát, năng động có ý chí và nghị lực phấn đấu vươn lên, đảm đang việc nhà việc cơ quan, cùng chồng chăm sóc dạy bảo các con khôn lớn thành đạt.
            Năm 1989 ông Trí Uẩn ốm nặng. Ông có 7 người con với bà vợ kế nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Thắng thường xuyên phải chi viện cho bố để nuôi dưỡng các em. Giờ đây bố lâm trọng bệnh, làm gì để có đủ tiền chạy chữa cho bố???. Thắng quyết định xin nghỉ việc ở Viện Chống lao lấy một cục (1,6 triệu đồng) đưa cho bố. Hy sinh sự nghiệp để làm tròn chữ hiếu, song cần câu cơm đã mất, cuộc sống vốn đã gian nan vất vả giờ đây càng trở nên xấu hơn.
            Chiến Thắng đã xoay sở đủ nghề: chữa vô tuyến, nuôi gà, nuôi chó, nuôi ong, bán thuốc tây, mở phòng xét nghiệm tư… đi chữa vô tuyến, thấy chủ nhà nghèo Thắng không lấy tiền công. Nuôi 300 con gà, gần đến ngày xuất chuồng thì bị dịch bệnh chết hết. Vay 8 “vé” đẻ nuôi chó, không bán được và rồi chó cũng bị bắt trộm hết. Bỏ ra 11 triệu để mở chung cửa hàng dược, bị lừa mất cả chì lẫn chài. Vay 30 triệu mua máy mở phòng xét nghiệm sinh hóa chung với một người thân cũng thất bại, trắng tay Thắng phải “bán xới” vào tp Hồ Chí Minh làm thuê để trả nợ. Phận nghèo đi đâu làm gì cũng nghèo.
Gia đình là bệ phóng rất quan trọng đối với mỗi người khi bước vào đời, Chiến Thắng lại gần như thiếu vắng nó. Thắng cũng không được sở hữu tài sản quý giá nhất của con người là sức khỏe (mất ¼ lá phổi, cuối đời còn bị bệnh tim mạch , tiểu đường, huyết áp, Parkinson).
Chiến Thắng là người có bản lĩnh và nghị lực lớn lao. Trong nghịch cảnh không mất lòng tin không nản chí không gục ngã, quyết chí vươn lên sau một lần thất bại.
Trong xã hội hiện tại xấu tốt lẫn lộn người ta có thể chà đạp lên luật pháp, đạo đức lương tâm để giành lợi ích bất chính về mình. Chiến Thắng lăn lộn trong thương trường nhưng vẫn sống trong sáng thanh bạch nhân hậu, dựa vào sức lao động hợp pháp chân chính của bản thân để kiếm sống. Rất tiếc đôi khi tính thật thà đáng chân trọng của Thắng lại bị những kẻ vô lương tâm lợi dụng. Thật thà thẳng thắn thì thua thiệt.
Phạm Kiên ghi theo lời kể của bạn Trương Thị Dần.

Lời cảm ơn từ đáy lòng



Rất cảm ơn Ban Điều hành ngôi nhà chung của lớp đã quan tâm đến sức khỏe của mình.
          Em đặc biệt cảm ơn thày Quý đã đến tận nhà thăm em và tặng em tài liệu hướng dẫn chữa bệnh tim mạch và tiểu đường.
          Mình rất biết ơn các bạn Nguyệt Ánh, Nữ Hiếu, Nguyên Hân, Đỗ Long, Trọng Hiền, Đoàn Đức, Chiến Thắng, Trương Trác,... đã viết trên mạng và điện thăm hỏi sức khỏe, khuyên nhủ mình chữa bệnh.
          Mình không ngờ diễn biến sức khỏe của mình lại phức tạp quá. Vốn dĩ mình đã bị huyết áp cao, mỡ máu nhiều. Vừa rồi phải vào bệnh viện cấp cứu 2 lần mới xác định thêm bệnh tiểu đường và sơ vữa động mạch vành tim, sơ vữa động mạch não. Nguy cơ xảy ra tai biến ở cả tim và não luôn thường trực.
          Mình may mắn được Tiến sỹ Lân Hiếu (con trai Nữ Hiếu) – rất giỏi về tim mạch khám và điều trị nên rất yên tâm.
          Một lần nữa xin chân thành cảm ơn thày Quý và các bạn
                                                            
                                                                Phạm Kiên. 
chaoquelam at 01/03/2012 05:31 pm comment
xuân NHÂM THÌN sắp đến chúc bạn và gia đình AN KHANG THỊNH VƯỢNG! Như Thanh-Tiệp khắc
Long at 11/23/2010 09:41 pm comment
   
Long at 11/22/2010 08:20 am comment
G    
Teresa at 05/19/2010 02:42 pm comment
Xin lỗi Phạm Kiên , Đã lâu không gặp bạn nên không biết bạn ốm . Huyết áp ,tiểu đường , tim mạch là những bệnh mà tuổi chúng mình khó tránh khỏi ,Bạn đừng quá lo lắng . Khi đi khám bệnh G đã gặp một bác trên 8o tuổi đã bị tiểu đường mấy chục năm nay .nhưng hiện vẫn rất phong độ . Chủ yếu phải tuân thủ chế độ ăn uống tập luyện mà các bs đã hướng dẫn ,Bạn bị bệnh tim thì nên dùng bài thuốc đan sâm.tam thất mà mình đang giới thiệu với các bạn ,bạn ông xã mình đã dùng thường xuyên .tác dụng rất tốt .Rẻ tiền, dễ tìm ,dễ uống ,
LTH at 03/21/2010 06:07 pm comment
Chào Phạm Kiên. Bạn lâu nay có khỏe không? Nếu khỏe và rỗi Bạn hãy nhấn chuột vào dòng LINK sau để xem bài có liên quan đến bạn (Lời bình của Calathau) trong blog letienhoan, xem có đúng không nhé: http://vn.360plus.yahoo.com/letienhoan-2008/article?mid=6575
LTH at 02/15/2010 04:47 pm comment
Chúc bạn Năm Mới khỏe mạnh hơn nhiều so với năm trước nhé. Chúc hai bạn niềm vui, hạnh phúc và những điều như trên câu đối.

Nhớ ông bạn "tồn nghi"

Năm 1962, Công Minh gửi cho tôi và Nguyên Hân (lúc đó hai chúng tôi đang cùng ở Matxcơva) thư báo hỷ cùng ảnh cưới. Cô dâu Bạch Vân là Việt kiều ở Côn Minh, từng tham gia Giải phóng quân Trung quốc, tự nguyện về nước đóng góp xây dựng quê hương. Bạch Vân là đội trưởng đội bóng rổ vô địch toàn quốc nhiều năm liền.

Chúng tôi mừng vì Công Minh đã chọn được ý trung nhân tài năng, có sức khỏe lý tưởng, làm chỗ dựa vững chắc cho anh chàng Công Minh bạch diện thư sinh, thể lực không được tốt do bị bại liệt từ nhỏ. – Xin lỗi Bạch Vân – lúc đó chúng tôi cũng có chút lo lắng, vì “tốt mái thường hại trống”. Tôi và Nguyên Hân quyết định mua một chiếc đồng hồ báo thức loại tốt nhất của Liên xô cũ gửi về tặng đôi tân lang. Chúng tôi muốn nhắn nhủ Công Minh: “Chớ có quá say men tình mà ngủ quên hết sự đời”

Năm 1976, tôi được cơ quan biệt phái vào công tác tại Sài gòn. Con trai tôi còn nhỏ, vợ tôi bị hen rất nặng. Công Minh đến thăm vợ con tôi lúc đó đang cư trú tại 180 Quán Thánh và bảo:
- Anh cũng được “biệt phái” xuống tăng cường cho các bác công nhân ở nhà máy điện Yên Phụ. Kiên đi công tác, có việc gì nặng nhọc khó khăn cần giúp đỡ em cứ báo cho anh biết.
“Anh bỏ Viện Triết rồi à -Vợ tôi ngạc nhiên hỏi-Anh yêu thích bộ môn đó lắm cơ mà !!?”
Công Minh bằng một giọng trào phúng trả lời:
- Anh vẫn chung thủy với Triết học của anh. Triết học như một đại dương mênh mông bao la mà điều chúng ta biết mới chỉ như một giọt nước. Anh đề nghị phải giữ thái độ “tồn nghi” để có thể nghiên cứu một cách sâu sắc toàn diện. Thế nhưng ‘họ’ lại cho rằng anh nghi ngờ Triết học Mác-Lênin,  cũng có nghĩa là nghi ngờ đường lối chính sách của Đảng. Vì thế ‘họ’ yêu cầu anh phải xuống cầm xẻng xúc than ở nhà máy điện Yên Phụ để chữa căn bệnh “thiếu tin tưởng” của anh.

Đó là một trong những ký ức về ông bạn ‘tồn nghi” của chúng ta mà vợ tôi vẫn còn giữ mãi. Trong số các bạn của tôi cô ấy rất quý và nể phục Công Minh vì Công Minh sống rất tình cảm, có nguyên tắc, có bản lĩnh và cương trực, sức ép không làm thay đổi chủ kiến của Công Minh một nhân cách có lẽ là khó tìm trong hoàn cảnh đó.

            Bạch Vân giỏi tiếng Nhật được cử làm trưởng ban tiếng Nhật, Đài phát thanh TNVN. Sau khi Công Minh mất, một nhân vật có chức có quyền của đài phát thanh TNVN quý mến và muốn xây dựng gia đình với Bạch Vân. Dù tuổi còn trẻ, nhưng Vân kiên quyết từ chối, chấp nhận ở vậy thờ chồng và nuôi 3 cô con gái, lớn nhất mới có 15, tuổi bé nhất đang ở tuổi mẫu giáo.
            Được sự phù hộ độ trì của Công Minh cùng với sự đảm đang, tháo vát, hết lòng vì chồng con, Bạch Vân đã vượt qua muôn ngàn gian nan vất vả nuôi dạy 3 cô con gái khôn lớn và trưởng thành.
            Cháu Trương Hồng Hoa nhận bằng Tiến sỹ Luật của Đức, hiện nay cùng chồng mở Văn phòng Luật ở Đức.
            Cháu Phương tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà nội, hiện công tác tại Tp Hồ Chí Minh.
            Cháu Trang cô bé út mà lúc sinh thời Công Minh chúng tôi thường hay trêu đùa đặt tên là “Trương Công Cốc” đã tốt nghiệp Đại học Y Tp HCM hiện nay đang tu nghiệp tại Úc. Các cháu đều đã lấy chồng, Bạch Vân hiện đã là bà ngoại của 4 cháu. Đời sống vật chất khá đầy đủ, sung túc.

            Bài viết này xin được coi như một nén nhang của vợ chồng tôi tưởng nhớ tới Công Minh - Người bạn yêu mến của chúng tôi.
            Chúc Bạch Vân mạnh khỏe, các cháu nhiều thành đạt và hạnh phúc.

CÓ HAY KHÔNG CÓ LINH HỒN ?

Trong gia đình tôi chia làm hai phái. Một phái cho rằng không có “ma”, chẳng có linh hồn, chết là hết. Phái khác cho rằng con người có phần hồn và phần xác. Sau khi chết phần bằng xương bằng thịt của cơ thể bị phân hủy, hồn tồn tại vĩnh viễn. Cuộc tranh luận kéo dài và bất phân thắng bại.
Phái “duy tâm ” dẫn ra hai câu chuyện đã xảy ra trong gia đình để chứng minh rằng có linh hồn và linh hồn là bất diệt.
*
*    *
Câu chuyện thứ nhất
Cuối năm 1946 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Từ Hà nội bố tôi theo công binh xưởng lên Việt Bắc tham gia sản xuất vũ khí. Mẹ tôi bồng bế đưa 4 con thơ dại (tôi lớn nhất lúc đó mới 8 tuổi) tản cư lên Tuyên Quang. Lúc này tại thị xã Tuyên Quang cũng đang thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Gia đình tôi phải nương náu ở cách thị xã khoảng 10 km. Rừng núi âm u, dân cư thưa thớt, đa phần là dân tộc thiểu số. Thiếu thốn đủ mọi thứ. Đói rét, bệnh tật mặc sức hoành hành. Mẹ tôi lâm bệnh nặng và bà đã vĩnh viễn ra đi bỏ lại đàn con còn non nớt giữa rừng thiêng nước độc. Anh em chúng tôi lâm vào cảnh không nhà cửa, không người thân, không của cải và tiền bạc. Thương chúng tôi côi cút dân địa phương chắt bóp từng bắp ngô, củ sắn củ mài giúp anh em chúng tôi rau cháo qua ngày.
Anh em chúng tôi lúc đó không hề biết bố tôi ở đâu. Không có địa chỉ, không báo chí, không bưu điện. Để tránh bị giặc Pháp tập kích bất ngờ, các công binh xưởng của ta phải phân tán và ẩn náu sâu ở những địa điểm bí mật, rất khó tìm.
Thế rồi vào một buổi sáng mưa tầm tã, bố tôi đã trở về trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Theo như lời ông kể lại thì ông đã được mẹ tôi về báo mộng “Tôi đã bị máy bay Pháp bắn chết, ông hãy về mà nuôi con”. Bán tín bán nghi bố tôi báo cáo thủ trưởng đơn vị ( Nha giám đốc các công binh xưởng). Thủ trưởng phê phán bố tôi là duy tâm, không yên tâm công tác. Yêu cầu bố tôi “xốc” lại tinh thần, vững vàng tư tưởng, không nên tin vào ma quỷ.
Mặc dù đã được thủ trưởng lên dây cót, bố tôi đêm đêm vẫn thao thức, không chợp mắt được. Bao nhiêu công việc đơn vị giao, bố tôi làm sai lệch lung tung. Thủ trưởng mời bố tôi lên gặp riêng. Nghe bố tôi trình bày lý do làm hỏng việc, ông đành chấp nhận cho bố tôi tạm nghỉ việc để đi tìm vợ con.
Thế là sau gần nửa năm sống cầu bơ cầu bất, nhờ sự “linh thiêng” và tác động vô hình của Mẹ mà anh em chúng tôi đã tìm lại được vòng tay chở che của người Bố. Dẫu rằng “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu chợ”_Gà trống nuôi con, cuộc sống sau đó của anh em chúng tôi diễn ra đúng như câu ca.
Câu chuyện đau buồn, xót xa vì mất mẹ quá sớm đi kèm với những diễn biến bí ẩn của tâm linh đã ám ảnh tôi suốt hơn nửa thế kỷ qua. Tôi không biết tìm đâu ra được lời giải cho những hiện tương kỳ bí có thật này.
*
*    *
Câu chuyện thứ hai
Cụ tổ của vợ tôi chết và được an táng tại nghĩa trang thị xã Tuyên quang. Thị xã mở rộng. Mộ của cụ được di rời ra nghĩa trang xã Lang quán, huyện Yên Sơn, cách thị xã khoảng 10 km. Gia đình muốn bốc cụ về gần hà nội, nhưng bia mộ bị tất lạc, không xác định được cụ nằm ở chỗ nào. Gia đình cầu cứu Bích Hầng, người nổi tiếng về khả năng giao tiếp với người âm. Ngoài cái ảnh và tên của cụ Tổ, gia đình không cung cấp cho Bích Hằng bất kể một thông tin gì. Và Bích Hằng cũng không yên cầu.
Nghĩa trang xã Lang quán rất hoang sơ, được chia làm 2 khu vực rõ ràng. Khu mộ có danh tính người chết và khu mộ vô danh tính. Các vong không rõ danh tính được chôn thành 2 dãy dài, theo kiểu mộ tập thể, liền nhau, trông giống như 2 luống đất mới được cày xới để chuẩn bị trồng rau, trồng khoai, sắn. Phần mộ của cụ nằm lẫm trong hàng trăm mộ vô danh.
Bích Hằng thắp hương “hỏi thăm” 3 “người âm”, tới người thứ tư Bích Hằng phấn chấn hẳn lên: “Cháu chào cụ ạ. Cháu là Bích Hằng, cháu cùng gia đình ta lên thăm cụ đây”.
Quay lại phía những người đang đứng ở đằng sau, Bích Hằng hỏi: “Ai tên là Chung. Cụ trách người tên Chung lâu lắm rồi không đoái hoài đến Cụ. Lúc nãy đã đi qua mộ cụ mà không dừng lại” (Bố vợ tôi tên là Chung và là cháu đích tôn của Cụ).
Bố vợ tôi mừng rỡ vì người dưới mộ đã nhận ra mình. Ông chắp tay lạy cụ như để tạ lỗi rồi nối: “Cháu không lên thăm cụ được thường xuyên, nhưng hàng tháng vẫn thắp hương tưởng nhớ tới cụ”.
Để chắc chắn không tìm nhầm mộ, bố vợ tôi hỏi:
- Thưa cụ, cụ có còn nhớ gia cảnh của cụ nữa không ạ.
“Vong”: Tôi là Nguyễn Phúc Long. Xua kia sinh sống với vợ con ở phố Hàng Đường – Hà nội. Quê vợ tôi ở Làng Kim Liên (Nay là phường Phương Liên - Đống Đa – Hà nội)
Bố vợ tôi: “Cháu được biết Cụ còn có gia đình thứ hai nữa? “
“Vong”: “Anh nói đúng. Tôi còn có bà hai, tên là Tích, sinh sống ở phố Nhà Gạch, thĩ xã Tuyên Quang. Bà này chuyên buôn bán vải và muối, do tôi chuyên chở từ Hà nội lên.”
Bố vợ tôi: “Họ hàng nhà ta còn có ai ở Tuyên Quang nữa không ạ?”
“Vong”: “Có ông Chi lấy cô em vợ tôi (họ lấy nhau sau khi cụ đã mất) Ông Chi đang là hàng xóm của tôi (Ông Chi cũng đã mất và được mai táng cùng nghĩa trang với cụ Long) Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau”
Bố vợ tôi: “Có ai đến hương khói cho Ông Chi không ạ?”
“Vong”: “Thằng Quỳnh, con Vân thỉnh thoảng vẫn lui tới thăm viếng Ông Chi” (hai người là con Ông Chi)
Bố vợ tôi đã đưa ra những câu hỏi để kiểm tra. Những gì “Vong” nói ra đều có thể kiểm chứng được.
“Vong” đã nhắc đến tên chính xác 5 người trong gia đình, trừ bà Tích và ông Chi ra, 3 người còn lại ông Chung, ông Quỳnh, bà Vân được sinh ra sau khi “Vong” đã khuất. Như vậy “Vong” không chỉ lưu giữ những thông tin khi còn sống mà còn tiếp tục cập nhật những thông tin sau khi đã chết.
“Vong” kể đúng về gia cảnh của mình lúc còn sống: có 2 vợ, nơi cư trú và làm ăn sinh sống của 2 bà vợ. Các mặt hàng mà bà vợ 2 buôn bán.
“Vong” còn nhận ra ông Chi là em rể đã chết sau “Vong” và được an táng cùng một nơi với “Vong”.
Căn cứ vào những thông tin “Vong” cung cấp, qua trung gian Bích Hằng, gia đình vợ tôi khẳng định 100% là đã tìm đúng mộ của cụ Tổ. Bố vợ tôi xin “Cụ” cho phép cất bốc “Cụ” về nghĩa trang Thanh Tước để tiện việc hương khói. “Cụ” không phản đối, còn căn dặn thêm: “Cái tiểu của tôi họ đặt không thẳng hàng, mà chéo về một bên. Nắp tiểu bị vỡ một góc. Khi cất bốc nên cẩn thận”. Ngày 23.12.1995 gia đình vợ tôi đã cất bốc “Cụ” về Thanh Tước. Mọi người đều kinh ngạc về tính chính xác của những điều mà “Vong” đã căn dặn lúc trước.
Gia đình thán phục và biết ơn Bích Hằng. Bích Hằng mới gặp gia đình lần đầu, không hiểu biết một chút gì về gia đình. Bích Hằng không thể nói dựa hay sáng tác ra một kịch bản trùng khớp đến từng chi tiết về gia cảnh Cụ Tổ cua vợ tôi.
Điều tôi băn khoăn suy nghĩ là có phải chết là hết không ? Có lẽ sau khi trái tim ngừng đập, thể xác đã chết, con người vẫn còn một cái gì đó. Mọi người đặt tên cho nó là “linh hồn”. Nhờ có “linh hồn” mà bố tôi đã trở về với đàn con đang bơ vơ giữa rừng; nhờ có “linh hồn” mà gia đình vợ tôi đã tìm thấy mộ Cụ Tổ.
Cụ Hữu Hùng thì tin tưởng rằng sau khi quy tiên, chúng ta đều chuyển nghề leo lên nóc tủ đi buôn hoa quả, ngắm gà khỏa thân.
Đại văn hào Đức I.V.Goethe (1749 - 1832) viết: “Khi nghĩ về cái chết tôi hoàn toàn yên tâm, bởi vì tôi có lòng tin vững chắc rằng linh hồn là sinh linh mà theo bản chất của mình không bao giờ bị phá hủy, nó hoạt động liên tục và vĩnh hằng”.
Goethe nói đúng hay sai phải nhờ Khoa học làm trọng tài. Nhưng tôi mong rằng Goethe đúng./.
LTH at 01/31/2009 01:02 pm comment
Đầu năm có vài lời thăm bạn. Sao lâu không xuất hiện trên blog thế? Sức khỏe hai bạn ra sao? Chúc năm Kỷ Sửu đem lại cho gia đình bạn nhiều niềm vui, hạnh phúc, sức khỏe, Phúc + Lộc + Thọ nhé.
Trâm Ngọc at 11/08/2008 05:45 pm comment
Tặng Phạm Kiên