Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Nhớ Chiến Thắng

Bạn Chiến Thắng tư chất thông minh ham học hỏi, có học vấn tốt, có đôi bàn tay vàng giỏi một nghề và biết nhiều nghề. Chiến Thắng rất hiếu thảo với cha mẹ, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, dũng cảm đón nhận những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, có những cố gắng lớn lao để vượt lên số phận. Tiếc rằng số trời đã định ‘Chống lệnh, không ai chống được mệnh. Vận đen cứ dồn dập đổ lên đầu Chiến Thắng.
            Tuổi thơ của Chiến Thắng phải chịu nỗi khổ vì mồ côi mẹ quá sớm và nỗi đau cha bị oan khuất. Năm 1940 mới mở mắt chào đời chưa được bao lâu thì cả cha lẫn mẹ bị giặc Pháp bắt tù đày vì tham gia cộng sản. C.Thắng phải sống nhờ bầu sữa của bà cô.
            Năm lên 7 tuổi mẹ Thắng hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ ở núi rừng Việt Bắc. Bà được công nhận là liệt sỹ và được tặng bằng Tổ quốc ghi công. Cùng năm đó bố Thắng bị ta bắt vì nghi tham ô. Sau 3 tháng bị giam giữ, không đủ chứng cứ, ông được trả tự do. Trở lại cơ quan, ông bị chi bộ kêu án kỷ luật khai trừ Đảng vĩnh viễn. Hoạt động cách mạng từ 1936, hết tù đế quốc lại tù Cộng sản nhưng ông không bất mãn, vẫn một lòng một dạ trung thành phục vu cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng.
            Trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù đế quốc, ông đã mày mò chế tác ra trò chơi thông minh mang tên ông – trò chơi Trí Uẩn. Trò chơi này rất được ưa chuộng và được bày bán ở nhiều cửa hàng từ Bắc vào Nam. Từ ngày mới cắp sách đến trường, C.Thắng đã phải tham gia sản xuất trò chơi này để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
            Hạnh phúc lớn lao đối với C.Thắng là những năm được đi học ở Quế Lâm và ở trường Chu Văn An, Hà nội. Niềm vui ngắn chưa tày gang, bước  chân vào cổng trường đại học Tổng hợp chưa được bao lâu thì bạo bệnh đã ập tới. Bệnh lao phổi đã hành hạ C.Thắng nhiều năm trời với 3 lần nhập viện và phải cắt đi ¼ lá phổi. Nhờ có quý nhân phù trợ mà C.Thắng đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Đó là cô Người yêu. Người tình vừa là người cung cấp tài chính, vừa là chỗ dựa êm ái về tinh thần trong những ngày C.Thắng nằm trên giường bệnh. Người yêu đã cho C.Thắng rất nhiều và đã hy sinh vì C.Thắng một cách vô tư.
            Năm 1964 Chiến Thắng trở lại học tiếp đại học Tổng hợp và đã nhận bằng tốt nghiệp khoa Sinh hóa, Chiến Thắng đi gõ cửa khắp nơi để xin việc. Với sự kỳ thị nặng nề với người có tiền sử lao phổi đã khiến các cơ quan tiếp đón Thắng với vẻ thờ ơ, lạnh nhạt. Ông thân sinh ra người yêu của C.Thắng (lúc đó là chủ nhiệm văn phòng Thủ tướng Chính phủ) phải ra tay cứu giúp Thắng mới được nhận vào làm việc tại Khoa Sinh hóa Viện chống lao TW.
            Sau khi đã hoàn thành việc chữa trị bệnh tật cho C.Thắng , cô người yêu đáng kính đã chào tạm biệt Thắng để “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi”. Thắng ta bị cú sốc bom tấn “ Ông tơ ghét bỏ chi nhau, chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”. Bệnh phổi tái phát nặng hơn trước, buộc Thắng lại phải nằm bẹp trên giường bệnh thời gian dài. Lần này không có bờ vai êm ái nào giúp đỡ, Thắng chỉ còn dựa vào đồng lương còm cõi của mình và thuốc thang được bao cấp.
            Mặc dù mối tình đầu dang dở song C.Thắng vẫn tôn thờ người con gái đầu tiên mà mình yêu và cũng là ân nhân đã sinh ra Thắng lần thứ 2.
            Năm 1976, C.Thắng gặp và tìm hiểu cô gái kém mình 10 tuổi tên là Trương Thị Dần, lúc này Thắng đã 36 tuổi. Đám cưới đạm bạc được nhanh chóng tổ chức. Thiếu tiền nên Thắng nhờ Lệ Thủy “Bang trưởng” mua hộ bánh quy gãy để tiếp khách. Lệ Thủy mua bánh quy thứ thiệt với giá khuyến mại để mừng Thắng – Dần.
            Cô dâu Dần nhanh nhẹn, tháo vát, năng động có ý chí và nghị lực phấn đấu vươn lên, đảm đang việc nhà việc cơ quan, cùng chồng chăm sóc dạy bảo các con khôn lớn thành đạt.
            Năm 1989 ông Trí Uẩn ốm nặng. Ông có 7 người con với bà vợ kế nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Thắng thường xuyên phải chi viện cho bố để nuôi dưỡng các em. Giờ đây bố lâm trọng bệnh, làm gì để có đủ tiền chạy chữa cho bố???. Thắng quyết định xin nghỉ việc ở Viện Chống lao lấy một cục (1,6 triệu đồng) đưa cho bố. Hy sinh sự nghiệp để làm tròn chữ hiếu, song cần câu cơm đã mất, cuộc sống vốn đã gian nan vất vả giờ đây càng trở nên xấu hơn.
            Chiến Thắng đã xoay sở đủ nghề: chữa vô tuyến, nuôi gà, nuôi chó, nuôi ong, bán thuốc tây, mở phòng xét nghiệm tư… đi chữa vô tuyến, thấy chủ nhà nghèo Thắng không lấy tiền công. Nuôi 300 con gà, gần đến ngày xuất chuồng thì bị dịch bệnh chết hết. Vay 8 “vé” đẻ nuôi chó, không bán được và rồi chó cũng bị bắt trộm hết. Bỏ ra 11 triệu để mở chung cửa hàng dược, bị lừa mất cả chì lẫn chài. Vay 30 triệu mua máy mở phòng xét nghiệm sinh hóa chung với một người thân cũng thất bại, trắng tay Thắng phải “bán xới” vào tp Hồ Chí Minh làm thuê để trả nợ. Phận nghèo đi đâu làm gì cũng nghèo.
Gia đình là bệ phóng rất quan trọng đối với mỗi người khi bước vào đời, Chiến Thắng lại gần như thiếu vắng nó. Thắng cũng không được sở hữu tài sản quý giá nhất của con người là sức khỏe (mất ¼ lá phổi, cuối đời còn bị bệnh tim mạch , tiểu đường, huyết áp, Parkinson).
Chiến Thắng là người có bản lĩnh và nghị lực lớn lao. Trong nghịch cảnh không mất lòng tin không nản chí không gục ngã, quyết chí vươn lên sau một lần thất bại.
Trong xã hội hiện tại xấu tốt lẫn lộn người ta có thể chà đạp lên luật pháp, đạo đức lương tâm để giành lợi ích bất chính về mình. Chiến Thắng lăn lộn trong thương trường nhưng vẫn sống trong sáng thanh bạch nhân hậu, dựa vào sức lao động hợp pháp chân chính của bản thân để kiếm sống. Rất tiếc đôi khi tính thật thà đáng chân trọng của Thắng lại bị những kẻ vô lương tâm lợi dụng. Thật thà thẳng thắn thì thua thiệt.
Phạm Kiên ghi theo lời kể của bạn Trương Thị Dần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét