Sức sống
mãnh liệt, nghị lực phi thường
Năm
1955, rời trường Quế Lâm thân yêu, tôi cùng Nguyễn Đức Tấn lên học tại Học viện
Ngoại ngữ Bắc Kinh. Hai chúng tôi ở chung một phòng và học cùng một lớp. Đức
Tấn tính tình hiền hòa, khiêm tốn, nghiêm túc trong sinh hoạt, học giỏi, được
thầy yêu, bạn quý. Sau 4 năm học Đức Tấn nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc.
Về
nước, Đức Tấn – Chàng trai quê hương Đình Bảng được bố trí làm việc tại ủy ban
kế hoạch Nhà nước, sau chuyển sang ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước. Là cán bộ
trẻ, năng lực tốt, Năm 1963 cơ quan cử Đức Tấn đi học đại học kinh tế tài chính
để phục vụ cho kế hoạch phát triển lâu dài của cơ quan. Năm 1967 Đức Tấn nhận
bằng tốt nghiệp Đại học thứ hai và về công tác tại Vụ kinh tế xây dụng thuộc ủy
ban kiến thiết cơ bản Nhà nước.
Lúc
này cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn hết sức ác liệt và
căng thẳng. Bộ đội ta đang cần được bổ sung lực lượng trẻ, có học vấn. Đức Tấn
tạm thời từ bỏ con đường công danh, sự nghiệp đang rộng mở, chia tay với người
vợ trẻ và 2 đứa con thơ dại 5 tuổi và 2 tháng tuổi, xung phong nhập ngũ, sẵn
sàng chiến đấu chống kẻ thù, chấp nhận đối mặt với bom đạn và mất mát hy sinh.
Đức
Tấn được cử đi học trường Sỹ quan điều khiển tên lửa tại Liên Xô. Hoàn thành
khóa học 2 năm, về nước Đức Tấn trở thành sỹ quan tại một đơn vị trực thuộc
quân chủng phòng không không quân.
Để
ép ta ngôi vào bàn đàm phán có lợi cho Mỹ ở Hội nghị Paris, tháng 12/1972 Tổng
thống Nickson đã sử dụng hơn 1.000 máy
bay chiến lược và chiến thuật ồ ạt ném bom nhằm hủy diệt Hà nội, Hải
phòng. Với chiến dịch “Lai nơ bêch cơ II” kéo dài suốt 12 ngày đêm, Mỹ hy vọng
làm Hà nội choáng váng, khiếp đảm và phải chấp nhận điều kiện do Mỹ đặt ra ở
Hội nghị Paris.
Để
bảo vệ Hà nội, Đức Tấn được trên tăng cường cho trận địa tên lửa tại Đông Anh.
Đây là trận địa mới, đang trong giai đoạn bài binh bố trận, đơn vị pháo cao xạ
bảo vệ trận địa đang còn ở Thái Nguyên, chưa kịp chuyển về. Máy bay trinh sát
của không quân Mỹ đã phát hiện và chụp ảnh nhiều lần. Đêm 21/12/1972, Đức Tấn
cùng đơn vị đang triển khai tên lửa để chuẩn bị chiến đấu thì hàng chục chiếc
B52, có nhiều máy bay tiêm kích yểm trợ, đã ồ ạt trút bom xuống trận địa tên
lửa Đông Anh. Các sỹ quan điều khiển tên lửa cùng kíp với Đức Tấn đều hy sinh,
riêng Đức Tấn bị thương rất nặng: 2 mảnh bom xuyên từ thái dương trái ra sau
gáy, 1 mảnh bom cắm sâu vào mi mắt trái, 1 mảnh gài vào bả vai trái, toàn thân
bê bết máu và khói bom, hoàn toàn tê liệt và bất tỉnh.
Đồng
đội đặt Đức Tấn vào một cái túi chuyên dụng cho tử thi (vì không hy vọng Đức
Tấn qua khỏi) và chuyển đi Quân y viện 109 đóng tại Vĩnh Yên. Đức Tấn hôn mê
suốt hơn 1 tháng trời, nằm ở dưới hầm sâu để tránh máy bay địch oanh tạc, bác
sĩ và y tá phải túc trực bên cạnh Tấn 24/24h đề phòng Tấn ra đi bất kể lúc nào.
Thế
rồi vào một ngày đẹp trời, Đức Tấn đã bừng tỉnh sau một giấc ngủ triền miên.
Cùng nằm trong hầm với Đức Tấn có 3 thương binh đang trong tình trạng nguy
kịch. Cố gắng lắm Đức Tấn mới bập bẹ được mấy câu, nhờ bác sỹ nhắn tin cho bác
ruột (chị mẹ) là Nguyễn Thị Đồng, lúc đó là Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phú biết, Những
người ruột thịt của Tấn (Bố là thường vụ tỉnh ủy – Trưởng ban tổ chức và kiểm
tra tỉnh Yên Bái. Mẹ là lão thành cách mạng, vợ là cán bộ Viện thiết kế Bộ Xây
dựng…) đến thăm. Không ai cầm được nước mắt. Toàn thân Đức Tấn quấn bông băng
trắng toát, chỉ hở 1 con mắt, nằm bất động như một cái xác không hồn ở trong
hầm, thỉnh thoảng lại lên cơ động kinh, ngất xỉu, bọt mép xùi ra.
Cần
phải mổ gấp để lấy các mảnh bom trong đầu Đức Tấn và cắt cơn động kinh, nhưng
nếu mổ lúc này anh có thể chết ngay trên bàn mổ vì sức khỏe đã quá yếu. Đức Tấn
đã được nâng dần thể lực để có thể chịu đựng nhiều lần đại phẫu thuật kéo dài
trong nhiều năm. Độ rủi ro của những ca mổ là rất lớn, nhất là khi ấy nước ta
đang ở trong chiến tranh khốc liệt, thiếu thốn đủ mọi thứ.
Tháng
12/1973 Đức Tấn lên bàn mổ lần thứ nhất. Ca mổ kéo dài suốt 12 tiếng đồng hồ.
Hai kíp mổ thay nhau làm việc căng thẳng suốt từ sáng sớm đến chiều tối. Các bác
sỹ lấy mảnh bom ở thái dương trái, tẩy rửa đất cát và vụn gỗ theo mảnh bom chui
vào não.
Sau
khi mổ các bác sỹ phải giữ Đức Tấn lại để cấp cứu hồi sức sức ngay trên bàn mổ,
có máy thở trợ giúp mới cứu Đức Tấn thoát khỏi bàn tay tử thần.
Tháng
12/1974 Đức Tấn lên bàn mổ lần thứ hai. Các bác sỹ khoét sau gáy lấy mảnh bom
ra. Tháng 12/1975 Đức Tấn lên bàn mổ lần thứ ba. Hộp sọ phía thái dương trái
của anh bị khuyết một mảng lớn. Não bị lộ thiên, gây nhức nhối, khó chịu. Các
bác sỹ phải lấy xương sườn (sụn) của một trung úy quân đội đã chết vì tai nạn
giao thông vá vào hộp sọ cho anh. Sau ca phẫu thuật này Đức Tấn đã giảm bớt khó
khăn trong việc vệ sinh đầu tóc.
Đến
lúc này Đức Tấn vẫn chưa hết duyên nợ với các bác sỹ phẫu thuật, vì trong người
vẫn còn 2 mảnh bom nữa. Không muốn tiếp tục lên bàn mổ, anh đã tự tay mình rút
mảnh bom đang găm trên mi mắt trái, làm cho máu chảy lênh láng, đau buốt đến
tận xương.
Hành
động một cách tùy tiện nóng vội, Đức Tấn đã bị các bác sỹ phê bình gay gắt. Cho
đến nay anh vẫn chấp nhận chung sống hòa bình với mảnh bom cuối cùng đang còn
yên vị bên bả vai trái.
Trong
3 năm chờ phẫu thuật, mặc dù bị các thương tích dày vò, hành hạ, Đức Tấn vẫn
vui vẻ tình nguyện dịch từ tiếng Nga ra tiếng Việt trên 1000 trang tài liệu về
phẫu thuật thần kinh (Tài liệu do Viện hàn lâm y học Liên Xô cung cấp) cho Quân
y Viện 108 mà không đòi hỏi bất kỳ một sự thù lao hoặc bồi dưỡng nào. Đương
nhiên anh phải nằm bẹp trên giường và đọc cho các cô y tá thay nhau chép để có
một bản dịch hoàn hảo.
Sau
3 lần mổ, sức khỏe của Đức Tấn dần dần hồi phục, không bị động kinh nữa, nhưng
1/2 người bị liệt, nửa người còn lại cử động rất khó khăn. Cuộc sống vẫn gắn chặt
với cái giường, mọi sinh hoạt đều phải có người phục vụ tại chỗ. Quyết tâm
thoát ra khỏi “nấm mồ chăn đệm” và để không trở thành gánh nặng cho vợ con,
bằng nghị lực phi thường, Đức Tấn từng bước tập ngồi dậy, tập bò, tập đứng và
tập đi như một đứa trẻ 9 – 10 tháng tuổi. Tay
phải bị liệt hoàn toàn, anh phải luyện tập dùng tay trái thay thế. Kết quả
luyện tập gian khổ, đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong nhiều năm trời, đã cho phép
anh tập tễnh đi lại được, tay trái có thể gánh vác phần lớn chức năng của tay
phải, cuộc sống đỡ bị phụ thuộc hơn trước.
Lúc
này kinh tế gia đình Đức Tấn ở vào tình tạng quẫn bách. Đời sống gặp muôn vàn
khó khăn. Cánh cửa sự nghiệp hình như đã đóng sấp trước mặt anh rồi. Mơ ước trở
lại làm việc hình như chỉ còn là ảo mộng hão huyền, không có cách gì để thực
hiện.
Đứng
trước cuộc đời tưởng như rơi vào ngõ cụt, Đức Tấn được cơ quan cũ – Viện thiết
kế thuộc Bộ Xây dựng mời đến làm việc. Một tia hy vọng lóe sáng, cơ quan định
bố trí Đức Tấn làm công tác tổ chức, cán bộ. Băn khoăn, do dự với tình trạng
sức khỏe của mình, sợ không cáng đáng nổi công việc, anh đã đề nghị cơ quan cho
làm thử 6 tháng. Thật may mắn lần thử việc này đã kéo dài 16 năm, anh đã hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chúng
ta không thể tưởng tượng được một người bị mảnh bom xuyên qua não mà vẫn sống,
mất 84% sức khỏe mà vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến thêm 16 năm trời nữa mới
chịu về hưu. Sau lần mổ thứ 3 (1975) bác sỹ lượng định Đức Tấn chỉ có thể sống
thêm được 10 năm, nay anh đã vượt cái ngưỡng đó hơn 3 lần (38 năm) thật là diệu
kỳ. Càng trong hoạn nan, khó khăn, ý chí,
nghị lực và sức sống của Đức Tấn càng trỗi dậy mạnh liệt.
Đức
Tấn tâm sự:
“
Các bạn bảo mình không may mắn, chịu
nhiều thiệt thòi, mình rất cảm ơn sự quan tâm đó. 30 năm chiến tranh ác liệt,
hàng triệu người vĩnh viễn ra đi mà không biết đến ngày chiến thắng. Mình còn
sống là may mắn , là hạnh phúc lắm rồi”.
“Các
bạn khen mình có thể lực tốt. Bom Mỹ giết mà không chết. Các giáo sư bác sỹ bảo
hệ thần kinh của mình có cấu tạo đặc biệt. Rơi vào chỗ chết mà vẫn sống. Thân
xác mình do bố mẹ ban cho. Mình phải cảm ơn bố mẹ. Nhưng dù mình có là lực sỹ
đi nữa, thương tích nặng nề như vây, tử thần chằm chằm nhìn ngó vào mình, nếu
không có trí tuệ, bàn tay vàng của các bác sỹ giáo sư Phạm Gia Triệu - Anh hùng
lao động, Viện phó Quân y Viện 108, bác sỹ Nguyễn Văn Cự – Chủ nhiệm khoa phẫu
thuật thần kinh (B7) ngày đêm tận tình chăm sóc, cứu chữa chắc chắn mình không
thể tồn tại được đến ngày hôm nay”.
“Mình
mang ơn người trung úy đã cho mình sụn xương sườn để vá vào cái “ sọ dừa” của
mình. Mình muốn thắp nén hương để tạ ơn người đã khuất, tự đáy lòng mình cầu
cho vong linh ân nhân của mình siêu thoát”.
“Mình
rất thương vợ mình. Lấy nhau được 5 -6 năm thì mình trở thành người tàn tật. Cô
ấy phải gánh chịu cái tai họa khủng khiếp giáng xuống đầu mình. Vừa lo hoàn
thành công việc ở cơ quan, vừa phải lo kiếm thêm tiền để chăm sóc chồng ốm yếu,
tần tảo nuôi dạy 2 con thơ dại nên người. Các con mình đều tốt nghiệp đại học,
có gia đình riêng và có việc làm ổn định. Công của cô ấy to lớn đến chừng nào
không tiền nào đong đếm được".
Là
những người may mắn, chúng ta khâm phục Đức Tấn đã sẵn sàng hy sinh một phần cơ
thể của mình, cam chịu tàn tật suốt đời vì danh dự và cuộc sống của mỗi chúng
ta hôm nay. Chúng ta hoàn toàn thông cảm và chân thành chia sẻ nỗi bất hạnh
lớn lao của anh và cả gia đình. Số phận không may mắn và tấm gương của Đức Tấn
thường xuyên mách bảo chúng ta rằng: “Đời người phúc họa song hành”. Dù bạn có
rơi vào thảm họa, cuộc sống có xô đẩy bạn đến bước đường cùng chăng nữa thì
cũng đừng bi quan, chán nản. Gian truân, vất vả tôi luyện ý chí, nghị lực, bản
lĩnh của mỗi chúng ta. Hãy dũng cảm đứng lên đón nhận thách thức, vượt qua thảm
họa và hoàn toàn có khả năng biến những điều tưởng chừng không thể trở thành
có thể.
http://lusonquelam.blogspot.com/